Đồng Nai: Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất trái cây sạch

(Tin Tức Môi Trường) - Nhằm thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng và chuyển giao thành công mô hình nuôi cấy, sử dụng nấm xanh Metarhizium anisopliae (M.a) phòng trừ sâu bệnh hiệu quả thay thế cho thuốc bảo vệ thực vật bằng hoá học trên cây có múi.


Sử dụng nấm xanh (M.a) trong sản xuất nông nghiệp là biện pháp không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch. Sử dụng nấm xanh phù hợp với các tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn. Vì vậy, việc sử dụng nấm xanh M.a là một hướng sản xuất khẳng định được phẩm chất và chất lượng của nông sản cũng như ngăn chặn được ô nhiễm môi trường so với sử dụng thuốc hóa học.


trai cay sach


Ảnh minh họa: IE


Anh Tuyển ở ấp Suối Rút, xã Phú Túc có 1,5 ha bưởi da xanh và là một trong 22 thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Phú Túc được tham gia dự án do Phòng Nông nghiệp huyện Định Quán và Trạm Bảo vệ thực vật liên huyện Định Quán - Tân Phú triển khai từ tháng 9/2015 trên 22 ha bưởi da xanh, cam.


Tham gia dự án này, Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ vật tư và dụng cụ làm nấm, đồng thời hướng dẫn nông dân quy trình kỹ thuật làm nấm. Trong 2 tháng triển khai, việc chuyển giao được thực hiện theo cách cầm tay chỉ việc. Cán bộ kỹ thuật của huyện trực tiếp hướng dẫn nông dân quy trình nhân nuôi và sử dụng nấm xanh, từ bước ngâm gạo, hấp khử trùng nguyên liệu, cấy nấm cho đến phun xịt.


Ông Nguyễn Công Phúc, cán bộ kỹ thuật trạm Bảo vệ thực vật của hai huyện Tân Phú và Định Quán (Đồng Nai) cho biết, so với vườn đối chứng do nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật trên các vườn phun nấm xanh M.a, tỷ lệ rệp sáp giảm mạnh và không phát sinh trở lại.


Anh Tuyển cho biết, với giá thị trường hiện nay vào khoảng 40.000 đồng/kg bưởi xanh, nếu chăm sóc tốt và sau khi trừ chi phí đầu tư cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Đây cũng là động lực giúp anh Tuyển đầu tư chăm sóc, rất kỹ lưỡng vườn bưởi của mình.


Đáng chú ý, bưởi là loại cây không dễ chăm sóc, nhất là việc phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là rệp sáp và sâu vẽ bùa, là 2 loại sâu bệnh thường xuyên tái đi tái lại nhiều lần. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy, sử dụng nấm xanh M.a phun xịt trên cây bưởi, hiệu quả mang lại cho vườn bưởi nhiều bất ngờ.


“Trước đây khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khác, vừa mắc tiền và bệnh hay bị tái lại, có loại một tuần đã tái phát. Nhưng khi sử dụng nấm xanh M.a thì cây sạch bệnh được hơn 1 tháng nhưng chưa thấy dấu hiệu tái bệnh”, anh Tuyển phấn khởi cho biết.


Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Túc khẳng định, sử dụng nấm xanh M.a tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, lại không ảnh hưởng đến người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng nên rất thân thiện với môi trường. Hiện các tổ hợp tác sản xuất quýt, cam, bưởi trên địa bàn huyện Định Quán sau khi tham quan mô hình đã có nhiều đề xuất được chuyển giao công nghệ này. Từ thành công của dự án, Hợp tác xã đang tập trung xây dựng thương hiệu và hướng tới làm VietGAP để chủ động cung cấp trái cây sạch cho thị trường.


Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật liên huyện Định Quán - Tân Phú cho biết, việc sử dụng nấm M.a phòng trừ sâu bệnh còn mang đến một số hiệu quả tích cực khác như không gây ảnh hưởng xấu tới hệ thiên địch trên vườn, góp phần bảo vệ môi trường, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm giảm chi phí sản xuất. Qua đó, giúp cho bà con bước đầu có ý thức về khái niệm canh tác nông nghiệp bền vững, thay đổi tư duy sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch mang tính cạnh tranh cao.


Lê Hiền

Previous
Next Post »