Bến Tre: Cải thiện sinh kế nhờ trồng rau công nghệ hữu cơ

(Tin Môi Trường) - Nhờ áp dụng công nghệ nông nghiệp hữu cơ thông qua dự án do Tổ chức phi chính phủ Seed to Table (từ hạt giống đến bàn ăn) tài trợ, nhiều hộ dân ở huyện Bình Đại (Bến Tre) đã cải thiện cuộc sống.





Sau khoảng 3 năm triển khai, từ con số 64 hộ dân tham gia ban đầu, nay chỉ còn 14 hộ vẫn gắn bó và duy trì với phương thức sản xuất rau áp dụng công nghệ hữu cơ. Sự kiên trì của nhà tài trợ và những người nông dân “quyết tâm đi đến cùng” đã đem lại những kết quả phấn khởi: trồng rau áp dụng công nghệ hữu cơ đã giúp người nông dân tăng thu nhập gấp hai, ba lần; tiết kiệm chi phí trong sản xuất và điều quan trọng là giúp người nông dân ý thức được lợi ích từ trồng rau bằng công nghệ hữu cơ (bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính mình và người tiêu dùng)…

trong rau sach

Trên diện tích chưa được 1.000m2, 5 hộ dân tại xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, từ tháng 10/2015 đến nay đã bắt đầu sản xuất có lãi so với trước kia. Chị Nguyễn Thị Loan, xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại thuộc diện hộ nghèo, nhờ nhờ kiên trì áp dụng công nghệ hữu cơ, 80m2 đất trồng rau đã mang lại thu nhập hơn 700 nghìn đồng/tháng. Chị Loan chia sẻ: “Lúc trước 80m2 đất này tôi bỏ không vì đất khô cứng không trồng được gì nhưng khi áp dụng mô hình trồng rau bằng công nghệhữu cơ giúp đất tơi xốp, trồng được rau bán. Dù diện tích nhỏ nhưng cũng giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Anh Nguyễn Văn Cường, ấp An Phú 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, có 700m2 trồng xen canh nhiều loại rau liên tục gồm xà lách, rau dền, rau muống... Từ cuối năm 2015 khi được chứng nhận Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS), vườn rau của anh được Công ty Việt Tâm bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn khoảng 35% so với thị trường.

"Trước kia trồng rau theo kiểu thông thường, sản lượng được nhiều nhưng giá cả bấp bênh. Từ khi áp dụng theo công nghệ hữu cơ, giá cả luôn ổn định vì có đầu ra. Mỗi tháng gia đình thu nhập cũng khoảng 5 triệu đồng" - anh Cường khoe.

Ông Nguyễn Văn Len, trưởng nhóm rau hữu cơ xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri cho biết, nhóm có 5 thành viên đang canh tác 3.000m2, với 15 chủng loại rau. Từ tháng 11/2015 – 3/2016, đã bán gần 4.000 kg cho đơn vị bao tiêu và hơn 171 kg cho bên ngoài, thu về hơn 46 triệu đồng/tháng. Lợi nhuận tăng hơn 40% so với trồng rau thông thường.

Trồng rau áp dụng công nghệ hữu cơ, mỗi hộ nông dân chỉ được phép dùng phân hữu cơ (phân bò, phân gà) để bón cho rau và thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc (ớt, tỏi, gừng… pha với nước) để xịt rau khi bị bệnh hoặc sâu bọ… Mô hình trồng rau bằng công nghệ hữu cơ phải có dàn lưới bao quanh và hàng rào đệm bằng cây xanh (có chức năng cản côn trùng từ bên ngoài vào).

Phương pháp này tốn nhiều công chăm sóc hơn các truyền thống vì phải ủ phân khoảng 3 tháng mới dùng được, tất cả hầu như làm thủ công và phải ghi chép hàng ngày... Tuy nhiên, áp dụng theo mô hình hữu cơ đã tạo sự cân bằng cho môi trường sinh thái, đất đai luôn duy trì dinh dưỡng tốt; quá trình chăm sóc khá an toàn, đặc biệt là lợi nhuận cao hơn 40%. Với xu hướng này, cái mất là công sức nhưng cái được là sự ổn định và bền vững từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ - ông Len phấn khởi kể.

Bà Ino Mayu, Trưởng đại diện tổ chức Seed to Table cho biết, mô hình này giúp nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo giải quyết các vấn đề như liên kết sản xuất, đa dạng hóa cây trồng trong một diện tích, tạo lập chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ; đồng thời, giúp người dân biết cách bảo vệ môi trường, bảo vệ chính mình và người tiêu dùng từ những sản phẩm do mình làm ra.

Người nông dân tham gia trồng rau bằng công nghệ hữu cơ được tổ chức Seed to Table tài trợ lưới bao, túi nilon chứa rau, cung cấp biển hiệu, cửa hàng bán rau, xét nghiệm mẫu đất và nước, quảng bá sản phẩm trên thị trường. Trong suốt quá trình sản xuất rau đến thị trường tiêu thụ sẽ theo quy trình PGS (hệ thống cấp chứng nhận có sự tham gia - như một công cụ nội bộ được tổ chức theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao).

Hộ nông dân muốn được cấp chứng nhận từ hệ thống này phải tham gia sản xuất theo nhóm, liên nhóm giám sát (trưởng liên nhóm sẽ hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, chất lượng, vốn, có thể phạt nếu nông dân làm không đúng với kế hoạch). Ban điều phối sẽ xem xét cấp hoặc chưa được cấp chứng nhận cho sản phẩm của đại diện quản lý liên nhóm đưa lên. Tổ chức Seed to Table sẽ thanh tra, kiểm tra đối với quy trình sản xuất và cả việc buôn bán tại cửa hàng.

Với quy định nghiêm nhặt như vậy, nhiều nông dân tham gia trồng rau đã bỏ cuộc, khiến diện trồng rau áp dụng công nghệ hữu cơ giảm đáng kể, từ năm 2013 với 24.000m2 đến năm 2015 chỉ còn khoảng 7.400 m2. Việc nhóm sản xuất rau ở xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại đã được cấp chứng nhận PGS đã ghi nhận sự kiên trì của người nông dân trồng rau, không bỏ cuộc với một phương thức sản xuất mới.

Ông Nguyễn Lộc Tùng - Giám đốc Công ty Việt Tâm – đơn vị bao tiêu sản phẩm khẳng định, nếu huyện Ba Tri thành lập thêm được 4 nhóm trồng rau theo công nghệ hữu cơ nữa (tổng cộng là 6 nhóm) thì công ty cam kết ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ. Mức giá thu mua cao hơn 35% so với rau ngoài thị trường và có khả năng sẽ còn tăng thêm. Công ty cam kết đảm bảo lợi nhuận cho bà con ngay cả khi thị trường có xuống giá.

Hiện nhu cầu tiêu thụ rất lớn nhưng số lượng rau cung ứng còn quá ít nên công ty chưa dám mở rộng thị trường vì e ngại không đáp ứng được đơn hàng của khách.

Bà Ino Mayu chia sẻ, hiện có nhiều đơn vị của Nhật Bản tài trợ cho Tổ chức Seed to Table triển khai dự án nhưng người nông dân lại không nắm bắt cơ hội từ nguồn tài trợ này mà đã vội vàng bỏ cuộc. “Tuy nhiên, thời gian tới, Tổ chức Seed to Table vẫn tiếp tục thực hiện dự án này và phát triển nhóm sản xuất rau bằng công nghệ hữu cơ tại tỉnh Bến Tre trở thành trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết tuy dự án uy mô còn nhỏ nhưng đã đi đúng hướng. Trong 3 năm còn lại của dự án (từ năm 2016 – 2018), Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn cần chủ động tạo điều kiện để các dự án phát triển tốt hơn cả về quy mô lẫn hiệu quả, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.



Trần Thị Thu Hiền
Previous
Next Post »