Sản xuất cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu

(Tin tức Môi Trường) - Sau 4 năm triển khai, chương trình hợp tác công tư sản xuất cà phê bền vững (PPP) tại tỉnh Đắk Nông đã mang lại hiệu quả thiết thực. Người trồng cà phê không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất bền vững.


caphe-

Ảnh minh họa: TL


Hợp tác công tư “khuyến nông gắn với vườn mẫu” là chương trình phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nông dân thành lập chuỗi giá trị, các nhóm nông dân PPP, tạo mối liên kết cộng đồng, xóa bỏ dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tạo nên sức mạnh của sự hợp tác phát triển sản xuất toàn diện, bền vững.




Chương trình cũng tạo mối liên kết giữa nông dân với các nhóm, các nhà đầu tư, kinh doanh và cộng đồng trong mối quan hệ hữu cơ về mặt lợi ích, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ cùng đồng hành tồn tại, phát triển. Chương trình này được triển khai ở tỉnh Đắk Nông từ năm 2012, tại 3 huyện Đăk R’Lấp, Đắk Song và Tuy Đức.


Gia đình ông Nguyễn Văn Thích (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp) có 2,5 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh cho năng suất đạt gần 5 tấn/ha trong những năm gần đây. Đây thực sự là mức năng suất cao đối với vườn cây đã hơn 20 năm tuổi. Sở dĩ vườn cà phê luôn giữ được mức năng suất cao và ổn định là do ông đã biết chăm sóc vườn cây đúng kỹ thuật.


Ông Thích cho biết, trước đây gia đình ông chăm sóc vườn cây theo kinh nghiệm, nên năng suất năm được năm mất, cao nhất cũng chỉ đạt 4 tấn/ha. Năm 2012, thông qua giới thiệu của cán bộ khuyến nông địa phương ông đã tham gia chương trình hợp tác công tư sản xuất cà phê bền vữngdo Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Nhờ tham gia các lớp tập huấn do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông, Công ty Nestle, Công ty Yara… tổ chức, ông đã học hỏi kỹ thuật chăm sóc cà phê, như kỹ thuật ghép chồi, cắt tỉa cành tạo tán, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.


“Từ khi tham gia chương trình hợp tác công tư sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C sản lượng tăng lên 30% so với trước đó. Cà phê nhân bán cao hơn giá thị trường 300 đồng/kg”, ông Thích phấn khởi cho biết.


Khi tham gia PPP, các nông hộ không những được trang bị kỹ thuật chăm sóc mà còn tiết kiệm được các chi phí đầu tư. Người dân được các đơn vị tham gia chương trình hỗ trợ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giá rẻ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, các nông hộ cũng được hướng dẫn kỹ thuật tưới nước tiết kiệm.


“Việc sử dụng phân bón hiệu quả, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước ít hơn so với sản xuất truyền thống nên đã tiết kiệm được đầu vào, tăng giá trị lợi nhuận lên cao hơn”, ông Lưu Như Bính (xã Nam Bình, huyện Đắk Song) – một trong những nông dân tham gia PPP từ những ngày đầu cho hay.


Đến nay, chương trình đã xây dựng được 15 nhóm nông dân PPP và 1 hợp tác xã (gần 1.200 hộ tham gia với diện tích 2.249 ha cà phê) sản xuất cà phê bền vững theo bộ quy tắc 4C, với 15 vườn mẫu. Qua đánh giá, năng suất cà phê bình quân của người dân khi tham gia chương trình tăng khoảng 13% so với sản xuất truyền thống. Thông qua chương trình, Công ty Nestle đã hỗ trợ 100.000 cây giống để nông dân tái canh với giá ưu đãi 50%.


Đắk Nông là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ 3 sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông có khoảng 120.000 ha cà phê, với sản lượng gần 240.000 tấn. Việc trồng và chế biến cà phê đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng.


Tuy nhiên, hiện nay ngành cà phê vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu phức tạp, hạn hán liên tục xảy ra trên diện rộng; giá cả lên xuống thất thường, thị trường không ổn định; năng suất, chất lượng cà phê chưa cao do sản xuất cà phê chưa bền vững; công nghệ chế biến sau thu hoạch còn nhiều hạn chế.


Cùng với đó, việc bón quá nhiều phân hóa học, sử dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu không hợp lý làm cho môi trường đất, nước có nguy cơ bị ô nhiễm cao và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Chương trình hợp tác công tư sản xuất cà phê bền vững đã góp phần giải quyết các thách thức trên.


Ông Lưu Văn Hoàng, Trưởng đại diện tổ chức 4C tại Việt Nam khẳng định, khi tham gia chương trình PPP và áp dụng tiêu chuẩn cà phê 4C, nông dân là người được hưởng lợi nhiều nhất. Được tập huấn về thực hành nông nghiệp tốt, tập huấn về quản lý tốt, người dân sẽ bỏ dần lối canh tác truyền thống và tuân thủ các quy trình kỹ thuật mới nhất.


Khi sản xuất cà phê tuân thủ theo bộ quy tắc 4C, các nông hộ đã đảm bảo được lợi ích trong vườn cây của mình, như tiết kiệm đầu vào, tưới nước, bón phân hợp lý hơn, giúp tăng năng suất. Điều này mang ý nghĩa trên cả ba khía cạnh môi trường, kinh tế-xã hội. Thực tế chứng minh, năng suất vườn cà phê của các hộ tham gia PPP đã tăng hơn 13%/năm và cải thiện thu nhập 14%/năm, tương đương 16 triệu đồng/năm; giảm 50% lượng khí thải nhà kính và tiết kiệm được 40% lượng nước tưới.


Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Đắk Nông đánh giá, bước đầu hoạt động của chương trình PPP rất có hiệu quả với nông dân. Trước hết, đã hình thành phong trào phát triển cà phê bền vững; đồng thời tạo nên chuỗi giá trị về cà phê, cây trồng chủ lực trên địa bàn.


Chương trình cũng giúp nông dân gắn kết, xóa bỏ phát triển cà phê manh mún, nhỏ lẻ. Giá cả đầu ra đầu vào trong chuỗi giá trị được nâng cao, hiệu quả kinh tế rõ ràng. Các vấn đề về tiết kiệm nước, tiết kiệm vật tư đem lại hiệu quả kinh tế, môi trường khá lớn. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông khuyến ngư sẽ tiếp tục triển khai chương trình này trên diện rộng.


Anh Dũng



Previous
Next Post »