TP HCM: Hàng rong “đổ bộ” tại các cổng bệnh viện và trường học

(Tin tức Môi Trường) - Bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều cảnh nhếch nhác, xô bồ trên các tuyến đường, các bến xe,… Trong số những “điểm nóng”, phải kể đến khu vực xung quanh cổng các bệnh viện, trường học nơi mà các quy định không được thi hành hoặc mất tác dụng.


benh vien 1


Người bán hàng rong và cảnh nhếch nhác trước cổng bệnh viện Chợ Rẫy


Nhếch nhác trước cổng bệnh viện


Tại khu vực xung quanh các bệnh viện ở TP.HCM nhiều năm qua, xuất phát từ nhu cầu của người bệnh và người nuôi bệnh nên những hàng rong xung quanh những nơi này thường rất “đắt”.


Trước cổng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đường Phạm Ngọc Thạch, quận 10 xuất hiện một quán cà phê vỉa hè rất hoành tráng với đầy đủ dù che, ghế ngồi. Vỉa hè đối diện, cũng bị một số người khác lấn làm quán cà phê “di động”. Khi có lực lượng kiểm tra chuẩn bị đi qua, những quán cà phê “di động” này được cảnh báo bởi đội ngũ những người chạy xe ôm ngay đầu ngã tư gần đó.


Cũng như thế, trước Bệnh viện Hùng Vương trên đường Lý Thường Kiệt và Hồng Bàng, quận 5 hàng chục điểm bán hàng rong đồ ăn uống mọc san sát nhau dọc theo vỉa hè. Việc buôn bán hàng rong với rác thải khá bừa bãi, kèm theo đó là các đống rác nhỏ rải rác khắp các vệ đường.


Tình trạng hàng quán tự phát vẫn tồn tại và ngày càng phát triển gây bức xúc cho nhiều người.Chị Huyền Trinh, người nhà bệnh nhân tại bệnh viện Hùng Vương, cho biết: “Buôn bán lấn hết vỉa hè, muốn đi bộ cũng khó phải đi xuống lòng đường. Bình thường thì không sao chứ giờ cao điểm xe đông thì nguy hiểm lắm. Đã thế, nước thải và rác còn đổ thẳng ra đường, xuống cống gây mất vệ sinh”.


Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, do có lực lượng bảo vệ thường xuyên nhắc nhở hàng rong bán trên vỉa hè nên những người bán hàng chuyển qua bán hàng di động với các xe đẩy đầy tiện lợi. Đẩy tới đâu, bán tới đó và đuổi tới đâu, chạy tới đó rồi tiếp tục… bán!


Cô Nhung - một người bán nước ở cổng bệnh viện Ung Bướu, nói: “Ở đây không ai cho mình buôn bán đâu, nhưng vì đồng tiền để nuôi gia đình thôi em. Chị còn nói thêm: “Bán ở đây không mất hay tốn một đồng nào cả, chứ bán ở chợ mình phải chi đủ thứ tiền nào là tiền thuế, tiền sạp, tiền rác này nọ, mà một ngày bán có được bao nhiêu đâu?”.


Còn khu vực Bệnh viện Nhi Đồng 2 (đường Lý Thái Tổ) thì do có lực lượng Quản lý đô thị quận 10 thường xuyên kiểm tra xử phạt nên đội quân hàng rong chuyển qua khu vực đối diện bên kia đường bán hàng. Vì vậy, những bậc cha mẹ ẳm theo con băng ngang đường để mua đồ là cảnh thường thấy ở khu vực này.


Các bệnh viện lớn khác tại TP.HCM như bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5), bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5), bệnh viện Gò Vấp (quận Gò Vấp), bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (quận Thủ Đức), bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình), bệnh viện Từ Dũ (quận 1)… tình hình cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Cổng ra vào luôn tấp nập người mua kẻ bán. Chủ các hàng quán thì rôm rả chèo kéo, mời chào khách.


hang rong


Vỉa hè bị “xâm chiếm” người đi bộ phải xuống lòng đường để đi, tai cổng trường ĐH Công nghiệp TP.HCM


Hàng rong “bủa vây” cổng trường


Trong giờ đến trường cũng như tan trường, ở cổng Trường THCS Ngô Quyền (97 Trường Chinh, quận Tân Bình), hàng chục học sinh lại quây bên các quán hàng rong bán đủ các loại thức ăn sáng, bánh trái, nước ngọt ... Những quán hàng rong “di động” này được bày hẳn trên lề đường, khi phụ huynh đến đưa đón con em không có nơi đậu đành phải đậu xe dưới lòng lề đường.


Tương tự như vậy, trước cổng Trường Tiểu học An Hội (đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp), do là trường tiểu học nên những chào bán ở đây là các bịch nước sirô, những ly nước ngọt xanh đỏ, các que kem đủ màu, đủ loại cùng với xe bán cá viên chiên, xiên que nướng được các em ưu ái và luôn quanh kín vì “xanh xanh, đỏ đỏ trẻ nhỏ nó ham”.


Chú Hùng, phụ huynh học sinh của Trường THCS Ngô Quyền bức xúc nói: "Cứ giờ tan học, đoạn đường này lại đông nghẹt. Cổng trường đã chật chội lại thêm cảnh chen lấn, bán buôn khiến cho cổng trường trở nên dơ bẩn bởi rác, việc đi lại đưa đón các em cũng trở nên khó khăn, mất an toàn”.


Không chỉ bao vây ở cổng Trường Tiểu Học, THCS hay THPT mà còn bao vây cả các cổng Trường ĐH, CĐ… như kể cả cổng trước lẫn cổng sau của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (quận Gò Vấp) có rất nhiều thứ hàng hóa được bán ở đây, từ bánh mì, hủ tiếu, bún riêu, xôi, cơm… đến những món ăn vặt khoái khẩu như bánh tráng trộn, xoài lắc, trà sữa trân châu… chiếm quanh hết cả vỉa hè, đến nổi chẳng còn nhìn thấy cổng trường ở đâu cả.


Với người bán, hàng giá rẻ, mẫu mã đẹp thì lấy về bán, với người mua, là học sinh, sinh viên thì chẳng mấy em quan tâm đến khái niệm vệ sinh, chỉ cần thích món gì là mua ngay món ấy. Và như thế, các bạn vẫn vô tư mua và ăn những thực phẩm được “phơi” hàng tiếng đồng hồ trong môi trường nắng, khói, bụi, ruồi nhặng mà người bán hàng thường xuyên dùng tay trần để bán hàng mà không hề e ngại đến chất lượng hay vệ sinh an toàn thực phẩm !


“Mình thường xuyên ăn đồ ăn bán ở cổng trường, vì giá thành rẻ lại rất tiện, hương vị hấp dẫn, đồ ăn cũng khá ngon, ăn xong về cũng chẳng bị sao cả, nên ăn nhiều quá thành thói quen.”- Bạn Khánh Linh sinh viên năm 2 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nói.


Ngoài nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho học sinh, sinh viên, thì một hệ lụy khác của việc hàng rong “bủa vây” cổng trường làm cho cảnh quan trước trường học trở nên nhếch nhác. Không những thế, việc những hàng quán này lấn chiếm vỉa hè để buôn bán đã đẩy phụ huynh xuống lòng đường chờ đón con, khiến giao thông tại các khu vực gần trường học thường xuyên ùn tắc, xe cộ va quệt nhau cũng xảy ra thường xuyên.


Cần những biện pháp hữu ích hơn


Cổng bệnh viện cũng như cổng trường học là nơi mưu sinh của nhiều người, có những người đã quen khi sống bám vào từng đồng lời lãi ở đây, cũng có những người sẵn sàng chạy từ cổng này qua cổng kia chỉ để bán được vài chai nước, mấy hộp cơm hay vài tô bún.


Cái khó ở đây là nhu cầu mua đồ ăn, đồ dùng của người bệnh và người thăm nuôi là rất cao nhưng bản thân căn tin của bệnh viện lại không đáp ứng được nên người dân phải tìm ra ngoài. Việc căn cơ nhất chính là giải quyết vấn đề bán hàng lẻ, rẽ, nhưng cần đảm bảo chất lượng cho người dân.


“Dẹp thì tạm nghỉ, đi rồi bán lại hay vài ngày sau rồi mình đi bán, còn không thì qua chỗ khác bán. Chứ không thể nào bỏ được vì còn miếng cơm manh áo phải lo nữa”. Chị Hồng người bán hàng ở cổng trường Ngô Quyền nói.


Cần phải làm một cách thực chất hơn, việc tuyên truyền phải có chiều sâu, nhắm mạnh vào các đối tượng người dân ngoại tỉnh, công nhân lao động, cũng như đối tượng học sinh, sinh viên. Trước khi yêu cầu người dân thực hiện tốt thì biện pháp tuyên truyền, hình thức tuyên truyền của chúng ta phải sâu, tạo ấn tượng để người dân làm theo, hình thành thói quen.


Cũng cần tăng cường trong công tác quản lý bằng cách thường xuyên tuần tra, kiểm soát những địa bàn, tuyến đường “nóng” để ghi nhận và nắm bắt tình hình. Cứ dẹp một dạo rồi hàng quán lại mọc lên thì không thể giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Phải chăng cần có những biện pháp hợp lý hợp tình để giải quyết dứt điểm tình trạng buôn bán hàng rong và tạo công ăn việc làm, trả lại cho cổng bệnh viện, trường học hình ảnh xanh, sạch và văn minh.


MỸ THƯỜNG (Thuongptm@tinmoitruong.vn)

Previous
Next Post »